Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013


Từ cửa ngõ di sản


Vì mải bàn tán về những thủ thuật marketing vừa gặp, chúng tôi không để ý là xe đã bon bon trên xa lộ 180D từ lúc nào. Con đường trải nhựa khá tốt, tuy chỉ có hai làn xe nhưng thẳng tắp, chạy giữa hai hàng cây mảnh dẻ nhưng không quá khô cằn. Sao đường vắng thế nhỉ, chẳng thấy bóng xe nào, cũng không có cây xăng dọc đường? Đi được hơn 200 cây số mới thấy lù lù hiện ra một trạm thu phí, và thế là phải ngậm ngùi trả 325 peso, tương đương 26 đô la Mỹ. Bấy giờ mới nhìn bản đồ và thấy ngay con đường 180 bên cạnh không thu phí, khá tươm tất và không quá đông xe. Ra khỏi xa lộ180D mới có thể mua xăng, vì trạm xăng chỉ có ở những nơi có nhiều xe chạy, chắc thế. Dù hơi tiếc rẻ, nhưng không thể không mỉm cười với mấy chàng bán xăng mập mạp da đen giòn, lăng xăng hồ hởi. Rất có thể họ là người Maya, hậu duệ của một nền văn minh kéo dài ngót nghét 10 thế kỷ (từ khoảng thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ mười sau công nguyên), và để lại cho thế giới một dải di chỉ kéo dài suốt mấy quốc gia Trung Mỹ, từ miền Đông Nam México qua Bélize, Guatémala tới Hónduras.


Câu chuyện bí ẩn đầu tiên là chuyện về ngày tận thế trong lịch của người Maya. Tôi đã nhiều lần định tìm hiểu về cách người Maya phân định thời gian và không gian qua những nghiên cứu trên mạng, nhưng thấy có vẻ phức tạp và không mấy hấp dẫn. Chỉ mang máng hiểu rằng lịch của họ có cả Mặt trời, Mặt trăng và Sao kim, thay vì chỉ chú trọng Mặt trời như Dương lịch hay Mặt trăng như Âm lịch. Còn vì sao họ lại tự cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới thứ tư, được bắt nguồn từ khi thế giới thứ ba kết thúc vào đầu một chu kỳ dài tới 5125 năm trước, và tiên liệu những cơn đại hồng thủy vào cuối năm 2012, khi chính mình đang chịu đựng hạn hán chiến tranh, thì dù đến đây hay không cũng chẳng có câu trả lời chính xác. Chuyện Chichén Itzá trở thành phế tích sau những cuộc nội chiến vào thế kỷ 13 hay 11 cũng không có chứng cứ rõ ràng. Riêng tôi thì thích những lí do vui vẻ, rằng người Maya định ra ngày 21/12/2012 để mở lễ hội tưng bừng chào đón một chu kỳ thế giới mới tốt đẹp hơn. Một cuộc hẹn hò ngàn năm như vậy trong truyền thuyết hẳn lãng mạn hơn tin tức mới đây về những tai nạn và cả thương vong vì giẫm đạp lên nhau trong lễ hội “Tận thế” tại một ngôi đền Maya khác ở Guatémala là Tikal. Tai họa thật như vậy đương nhiên còn khủng khiếp hơn cả những cảnh tế lễ rùng rợn trong các phim Apocalypse.


Nằm ngay trong khuôn viên của khu di tích thành phố cổ Maya được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, nhưng chỉ phát triển phồn thịnh vào thế kỷ thứ 10 sau cuộc tiếm quyền của người Toltec, là kim tự tháp Kukulkan, còn được gọi là “El Castillo” (lâu đài), sừng sững giữa mây trời. Đây là đền thờ thần rắn linh thiêng và là đài thiên văn của người Maya cổ đại, được sử dụng như một la bàn khổng lồ đo nắng gió và phân định ngày tháng và mùa. Kim tự tháp cao 25m, có bốn mặt đối xứng, mỗi bên có 91 bậc thang, cộng với phần đàn tế ở đỉnh tháp là 365 bậc, tượng trưng cho 365 ngày trong năm. Nghe đâu nó được xây từ 52 phiến đá, tượng trưng cho chu kỳ ngắn 52 năm trong lịch Maya hay 52 tuần của năm, và trên đỉnh còn có ngai vàng hình báo đốm của vua Kukulkan. Nhưng không ai được lên đỉnh sau một tai nạn chết người năm 2005.


Thậm chí có chuyện kể lại rằng xương sọ của anh ta sau đó được nhồi vào vỏ trái bóng để khiến nó được nhẹ hơn. Tôi tự hỏi ai lại chịu làm đội trưởng nhỉ, không biết thủ tục đề cử và bầu bán thế nào. Nhưng những tiếng lao xao cười nói từ phía bên kia cầu trường còn làm tôi tò mò hơn. Một anh hướng dẫn viên du lịch người México đang hào hứng kể cho các khách tour rằng còn có một chuyện khác li kỳ hơn, rằng đội trưởng bên thắng cuộc mới bị chặt đầu làm vật tế lễ, và trước khi chết còn được các bà mẹ dâng con gái cho để truyền giống anh hùng. Cũng có thể người Maya coi cái chết kiểu này là một sự hy sinh đáng tự hào, cũng có thể anh hướng dẫn viên vui tính kia chỉ muốn pha trò thôi. Dù sao thì tôi cũng ngại nghĩ thêm về những chuyện này, và chạy ra đứng giữa sân thử vỗ tay xem những tiếng ngân được vọng lại thế nào.


Song ký ức của chúng tôi trong buổi chiều tà hôm ấy nặng hơn hành trang kia và dài hơn những tiếng ngân vọng rất nhiều, trên đường ra khỏi khu di sản cách Việt Nam nửa vòng trái đất, để quay về với thực tại giờ đã trở nên hiền hòa và sáng sủa hơn.

Xem bài viết đầy đủ

Categories: , ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét