Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013


Chiếc xe ô tô 12 chỗ lao đi khi người cuối cùng của đoàn yên vị. Hai bên đường, loang loáng màu trắng bạt ngàn của thứ cỏ lau mọc lút đầu người không bị bụi vấy bẩn, thỉnh thoảng lại bắt gặp những cây cổ thụ thân to với những những tán cây hình lá kim, khiến người ta có cảm giác như đang ở Nam Phi, nơi có những cái cây bao báp bình yên trên đồng cỏ. Phải mất 40 phút mới đến được nơi cần đến – bến Nankan Canal, ai đó đã xuống làm thủ tục, mua vé thuyền máy để đi tiếp vào vùng hồ Inle. Cứ 4, 5 người một, lần lượt xuống thuyền. Chiếc thuyền máy lao đi trong ánh nắng chiều tắt hẳn. Không khí trở nên lạnh hơn khi bóng tối bao phủ dòng kênh, một cảm giác trải nghiệm thật thú vị khi phải quấn thêm một chiếc khăn lạnh trùm đầu và khép gối, ngả mình trên chiếc ghế gỗ có tựa sơn xanh đặt trong lòng xuồng. Ánh sáng của vầng trăng khuyết hắt một thứ ánh sáng trắng yếu ớt lăn tăn mặt nước dòng kênh. Hơn nửa tiếng sau, thuyền đã băng qua cổng chào bằng nứa, cập vào bến của resort bốn sao.


Một khung cảnh tĩnh lặng, đẹp tuyệt với những căn nhà nổi bằng gỗ, những chiếc cầu gỗ bạc màu mưa nắng đơn sơ, nối nhà với nhà, dọc lối vào là những chậu hoa xinh xắn chào đón khách đường xa bằng một màu đỏ tía ấm áp, thân thiện. “Ow”, thật thú vị với khung cảnh hữu tình nơi đây.


Điều đặc biệt của Hồ Inle không chỉ là vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà nó còn là nơi sinh sống của tộc người Inthar (một dân tộc thiểu số của Myanmar). Inthar theo tiếng Myanamar có nghĩa là “người sống trên hồ”. Từ ngàn năm nay, hồ Inle là nơi diễn ra mọi hoạt động đời sống xã hội của dân tộc Inthar. Người dân Inthar hoàn toàn sinh sống trên mặt hồ, họ xây dựng nhà cửa và các công trình kiến trúc trên hồ, sáng kiến được coi là vĩ đại của người Inthar chính là việc họ tiến hành trồng trọt các loại cây trồng trên mặt nước hồ bằng cách tạo nên các bè nổi từ những xác bèo, xác rong rêu và cố định bằng những cây tre cắm xuống lòng hồ. Như vậy, những “cánh đồng nổi” này sẽ nổi lên và hạ xuống theo mực nước trong hồ. Cây trồng phổ biến nhất của người Inthar là cây cà chua, cà chua được trồng trên hồ Inle là một đặc sản của nơi này, người dân Myanmar thường truyền miệng câu “đến Inle mà chưa ăn salad cà chua ở đây coi như chưa từng đến Inle”. Khi con gái đến tuổi lấy chồng, cha mẹ thường cắt cho một vài bè nổi để con gái làm của hồi môn, sống ở đâu thì đẩy bè đến đó mà canh tác trồng trọt, sinh nhai.


Chiếc thuyền len lỏi đưa chúng tôi đi qua những bè cà chua nổi mọc cao trên một mét, thảng lại bắt gặp những mảng hoa cúc trắng, hồng, tím trồng thành một vạt dài, mà người dân ở đây trồng để dành cho việc thờ cúng. Đằng sau mảng bè hoa là căn chòi canh lợp lá, khiến cảnh sắc ở đây thêm phần lãng mạn, yên bình giữa một vùng trời nước xanh bao la. Ngoài trồng trọt, người Inthar còn sống vào nguồn thủy sản đánh bắt được trong hồ. Lác đác trong ánh bình minh phía Đông, bóng những người đánh cá tung lưới trên hồ. Hình ảnh những người đàn ông Inthar chèo thuyền bằng một chân trên chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé, đã trở thành một nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng của vùng hồ.


Cuộc sống dù còn nhiều vất vả khó khăn, song người Inthar vô cùng yêu mến và gắn bó với vùng hồ Inle. Hồ là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa, sản xuất của người dân. Lễ hội lớn nhất của vùng này thường diễn ra vào tháng 9 dương lịch hàng năm. Vẻ đẹp bình yên của hồ Inle còn được cảm nhận vào mỗi đêm hè tĩnh lặng, đến mức người ta có thể nghe được lời ca tiếng hát, vọng lại từ một nơi nào đó rất xa của những người dân chài đang đánh cá đêm, hay của đôi trai gái yêu nhau đang giao duyên trên mặt hồ thơ mộng.

Xem bài viết đầy đủ

Categories: ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét