Núi tuyết Thạch Ca cao 4.500m, cách trung tâm Shangri-La khoảng 7km và chỉ cách biên giới gần nhất giữa Trung Quốc với Myanmar khoảng 90km. Trong tiếng Tạng, tên của ngọn núi tuyết này ám chỉ một ngọn núi có rất nhiều hươu. Thạch Ca không phải là một núi tuyết phủ quanh năm. Có nhiều thời điểm nó cũng khoác lên mình màu xanh của cây cỏ. Tuy nhiên, với ngày cuối đông thế này, tuyết hẳn nhiên còn phủ dày trên đỉnh núi.
Để lên tới đỉnh cao 4.500m, phải đi qua 2 chặng cáp treo liên tiếp. Trẻ và… “sung” nên rất nhiều người vẫn “đòi” chinh phục cho bằng được độ cao 4.500m, bất chấp những lời khuyến cáo về hội chứng độ cao và những cơn gió cực mạnh ở trên đỉnh núi.
Lên tới đây mới thấy những người chinh phục được đỉnh Everest cao 8848m hay những đỉnh núi cao 7.000-8.000m khác quả thật phải có thể lực và ý chí phi thường. Mới tới độ cao 4.500m mà đã thấy gió thét ào ào, tuyết rơi ầm ầm, lạnh thấu xương. Vậy mà, những người leo lên tới đỉnh Everest còn phải đương đầu với những điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều ở một độ cao gần gấp đôi so với độ cao mà du khách đến Thạch Ca Tuyết Sơn lên được bằng... cáp treo.
Một điều rất thú vị là bất chấp độ cao, bất chấp tuyết, không ít đôi uyên ương vẫn cùng đoàn chụp hình rồng rắn kéo nhau lên đây để… chụp ảnh cưới. Có lẽ, cảm giác đứng cạnh bên nhau trên đỉnh núi cao ngất, với chung quanh là tuyết trắng tạo nên những cảm giác “ấm áp”, “gắn kết”, như lời nguyện thề đồng cam cộng khổ, đi suốt đường đời, khiến những đôi bạn như thế này quyết chọn Thạch Ca Tuyết Sơn làm nơi ghi dấu cho hạnh phúc của mình?
Cuối năm, ngắm núi Thạch Ca, thấy lòng mênh mông một cảm giác bình lặng đến vô cùng, tâm hồn cũng trở nên khoáng đạt đến vô cùng. Và sẽ tuyệt hơn nữa nếu trong cái lạnh, bạn cảm nhận được một vòng tay thật ấm, cùng “ai đó”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét