Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011


Kí ức vụn" 


Đến với "Nước mắt người điên", những tâm tư sâu thẳm của con người như được đánh thức dậy, vừa nhẹ nhàng mà cũng thật ám ảnh. Phần lớn những sáng tác trong tập truyện ngắn này viết về nỗi đau, niềm bi kịch. Bi kịch của một người đàn ông đem lòng yêu đôi mắt, "một đôi mắt vừa xa xôi vừa bùng cháy một ánh lửa kỳ lạ thiêu đốt ruột gan người". Thế nhưng, chỉ vì vội vã nghe, vội vã tin lời dư luận mà đã đẩy người thương xa mình mãi mãi. Ngày nhận được bức thư đau xót của nàng cũng là lúc hối hận quá muộn màng. Người con gái đã hy sinh khi bơi qua sông trong đêm tối để nối lại đường dây, lúc về bị địch phát hiện, đạn bay tơi tả, không biết xác đã trôi đi đâu xuống phía hạ nguồn… (Bây giờ em ở đâu?).


Cũng lấy hình tượng giọt nước mắt làm cái tứ cho tác phẩm, nhưng khác với "Nước mắt đen", "Nước mắt người điên" đánh dấu một bước ngoặt khác. Nó là tiếng chuông thức tỉnh mỗi con người. Trong cơ quan nọ có một người điên, một người suốt ngày theo sát những hành vi phung phí của công, làm việc thì tắc trách, của những anh chàng luôn cho mình là cần kiệm liêm chính. Họ ghét “người điên” nhưng trong thâm tâm vẫn hiểu rằng “người điên” nói đúng. Chỉ đáng buồn thay, con người ta đôi khi suy nghĩ và hành động nằm ở hai thái cực xa lắm, cố gắng lắm cũng khó mà kết nối cho nó thành một thể thống nhất. Có lẽ vì vậy mà thủ phạm làm rơi cái hộp bẫy mối - biết sai mà vẫn dửng dưng, còn người điên thì nức nở - "Ôi, giá mà anh cũng thấy được những giọt nước mắt của người mà anh gọi là "tâm thần phân liệt", nhỏ ròng ròng trước những mảnh gỗ thông vung vãi trắng đặc những con mối"… Những giọt nước mắt tưởng vô hồn, ngớ ngẩn mà thực ra ẩn chứa bao cuồn cuộn lo toan, nó vẫn chảy trong dòng đời và trên cả "những nỗi vô tâm, nhức nhối mang tên con người"… (Nước mắt người điên).


Bên cạnh những sáng tác viết về bi kịch, về sự thức tỉnh hay hối hận, day dứt của con người, tập truyện "Nước mắt người điên" vẫn ánh lên những niềm tin nhất định vào cuộc sống, mà điều đó được đặc biệt gửi gắm qua những người phụ nữ. Đó là hình ảnh cô gái tên Mây, mong manh yếu đuối như một đoá mạc ma (một loại ban rừng không trắng lắm nhưng lại có hương thơm vô cùng đặc biệt). Số phận đắng cay nhưng không vì thế mà làm Mây gục ngã, nàng đã sống, đã bám trụ với núi rừng như một loài cây bền bỉ, kiên trì và nhẫn nại hy sinh (Đoá mạc ma nở muộn). Đó là câu trả lời cho một tình yêu thực sự ý nghĩa, là thứ ái tình sinh ra nơi lòng quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất, là tìm cách lấp đi những khoảng trống hay nỗi sợ hãi trong lòng người yêu dấu (Đêm thập thình). Đó là niềm tin vào quy luật vĩnh hằng - “ác giả ác báo”, “tham thì thâm”, “người không đánh thì trời đánh” - Ông Phó chủ tịch trong "Nàng Coòng - Nàng cáy" đã chết cháy một cách đau đớn trong cái lò vôi vừa mới nung xong, như sự trừng phạt giận dữ của ông trời dành cho kẻ dâm ô đồi bại…


Đinh Thanh Quang có một giọng văn nhẹ nhàng đậm chất của quê hương xứ Nghệ. Những từ ngữ không quá bóng bẩy, những câu văn không quá trau chuốt mà thiên về tính chất kể của những câu chuyện tự sự trữ tình. Ở đó, bạn có thể đi qua những giây phút hồi hộp, lo âu, tiếc nuối, và cũng không thiếu vắng những tiếng cười nhẹ nhàng ý vị. Trong cuộc sống xô bồ hiện đại, có lẽ ta cần lắm một giọt nước mắt của người điên, cần lắm những phút giây chiêm nghiệm để hiểu rằng đôi khi mình đã sống quá vô tâm với những điều quá ư bình thường và giản dị…

Xem bài viết đầy đủ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét