Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012


(GD&TĐ) - Có thể trên đời, chúng ta đã đi qua bao mùa rụng lá, trên mọi miền trái đất này  và chứng kiến thiên nhiên khoác bộ xiêm y vàng rực để bước vào mùa thu, nhưng có lẽ chưa nơi nào, thu lại dành ưu ái đến như vậy cho xứ sở bạch dương.


Mátxcơva, những ngày cuối thu. Chúng tôi may mắn được ngắm nhìn sắc vàng nở rực lần cuối của những rừng cây ven thành phố, kể cả sắc vàng lẻ loi trên những tán cây trên đường phố, trước khi thiên nhiên rùng mình trút bỏ bộ xiêm y, để trơ những thân cây khẳng khiu, giơ lên trời tội nghiệp, rồi bình thản, chậm rãi đi về phía mùa đông. 


Từng lớp vỏ trắng, toát lên vẻ kiêu sa, bí ẩn và kín đáo bao bọc thân cây. Nó bảo vệ và tự mình làm thành những rãnh khía nhỏ gạch ngang thân cây theo từng lớp thời gian. Nếu bóc lớp vỏ ấy đi, vẻ đẹp sẽ không còn nữa. Nhiều nghệ nhân Nga, đã dùng gỗ bạch dương để làm những sản phẩm xinh xắn, độc đáo như : búp bê gỗ, vòng tay gỗ, vỏ hộp trang trí, thậm chí làm những sản phẩm đồ gỗ, trắng hồng và sang trọng. Lá cây bạch dương, như những búp tay chụm lại giơ về phía trước. Vào mùa thu, từng chiếc lá ngập ngừng rồi bay xuống thảm cỏ, ngay dưới gốc, tạo nên bức thảm vàng rực, chất chồng như muốn ủ suốt mùa đông. 


Thu ở lại trong khuôn viên trường Viết văn Macxim Gorky


Nhiều người Việt cũng đã từng ngẩn ngơ trước sắc vàng của cây lá mùa thu nước nhà, nhưng sang đến nơi này, chứng kiến sắc thu phủ theo con phố, rồi men ra ngoại ô, mải miết chạy băng về phía đồng cỏ xa xôi đã không nén được cảm xúc. Cái sắc vàng của thu mà những hàng phong và bạch dương nặng lòng gìn giữ đón nhận và ký thác cho đất trời ấy, ai đã nhìn thấy một lần, đâu dễ nguôi quên.  Tại quảng trường Đỏ, hàng bạch dương nghiêng mình duyên dáng, trên thảm cỏ xanh, vì biết sắc màu của mình được du khách nuông chiều, chào đón.


Sắc thu trong khu vườn nhà  của đại văn hào Leptônxtô


Có đôi lứa yêu nhau, ngồi trên ghế đá, bẻ bánh mì cho đàn bồ câu ăn. Chung quanh họ, ríu rít tiếng chim câu, trên đầu họ, rực sắc vàng nôn nao, cháy đến tận cùng của bạch dương. Rất có thể, đã có nhiều đôi lứa nên duyên dưới tán bạch dương thơ mộng và quyến rũ này. 


Tôi thơ thẩn ngắm vẻ đẹp mê hồn của khung cảnh thần tiên ấy, chợt tiếng chuông điện Kremlin đổ. Tiếng chuông nhắc nhở thời gian, nhắc nhở mùa đã về trọn trong thu. Những ngày sau đó, khi đến thăm trường viết văn Mácximgócky, và  nhà của Leptônxtôi, chúng tôi nhận ra từng xấp lá vàng-chất chồng lên nhau. Nhưng, bên ngoài cùng của lớp lá ấy, vẫn rưng rưng một chút lưu luyến cố níu giữ mùa trong cơn tuyệt vọng.


Thu vàng ở Tula


Nhà văn bỏ đi về miền mây trắng, nơi không có tiếng còi tàu đau đớn trong sự trốn chạy cuối cùng, bỏ nàng Anna Karênina trong tác phẩm-một mình trong cơn tuyệt vọng đi tìm hạnh phúc, bỏ cả An đrây dưới gốc sồi với bao kỷ niệm…để phó mặc cho thu canh giữ ký ức. Bằng chứng là thu đã nép mình trên mái, ban công, cửa sổ-bằng thảm lá vàng  chuyệch choạc. 


Nhưng đó mới chỉ là vẻ đẹp của sắc vàng nơi góc phố, mảnh vườn. Chúng tôi đi qua những khu rừng bát ngát hàng bạch dương, trên đường tới Tula để thăm điền trang Leptônxtôi. Nơi mà thời thơ ấu cho đến khi từ giã cõi đời, nơi đại thi hào đã từng gắn bó. Ngoại ô Tula, được biết đến bởi hai ven đường cao tốc, rừng bạch dương và những cánh đồng Nga đẹp tựa trong mơ.


Con đường vắt ngang bức tranh tĩnh tại của mùa thu, chia đôi cánh rừng và đồng cỏ làm hai mảnh. Phía trước, như về cõi vô cùng, với sắc vàng ngút ngát mênh mang. Tôi dùng lại cánh đồng sau mùa gặt. Cỏ dại lún ngang người. Thỉnh thoảng có cây bạch dương nhoi lên, thân trắng xốp, khoe tán lá vàng với đất trời. Chỉ một mình nó cũng có thể nhuộm cả đất trời lạnh giá.


Quảng trường Đỏ nhuốm tràn sắc thu


Thu về trong công viên thành phố

Xem bài viết đầy đủ

Categories:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét