Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012


Chợ vùng cao phía Bắc là một trong chuỗi những hoạt động nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chợ khai mạc vào sáng nay, và diễn ra trong cả tuần lễ.



Đến với khu chợ này, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc Mông ở Quản Bạ (Hà Giang). Họ gieo trồng cây lanh trong thời gian 2,5 tháng. Sau đó họ thu hoạch tước sợi lanh, đem giã, nấu, ủ rồi lại mang đi giặt đến khi nào thật sạch vỏ lanh.


Tiếp đó, họ nối sợi lanh vào nhau, cho vào con quay rồi sau đó mới cho vào khung dệt, tẩm màu và làm nên những chiếc váy, cái túi mang nét đặc trưng của người mình. Chị Hạng Thị Pà (50 tuổi, dân tộc Mông, Quản Bạ) nói: “Tôi xuống đây từ ngày 14, đến 22 mới về. Nhờ có ngày này mà tôi có cơ hội được giới thiệu các công đoạn làm thổ cẩm quê tôi đến bạn bè các dân tộc khác”.


“Thổ cẩm quê tôi đã có thương hiệu mấy chục năm nay. Hiện nhà tôi trồng 20 rẫy lanh vừa bán, vừa để khâu quần áo cho các thành viên trong gia đình”, chị Vừ Thị Mo (36 tuổi) cho biết.


Ở một góc khác, món thắng cố và mèm mén của người Mông ở Mo Vạc (Hà Giang) thu hút rất đông du khách tham quan, ăn uống. “Chúng tôi nấu thắng cố bò, cho thêm thảo quả, xả, gừng và một loại rễ cây lấy trong rừng. Món này ăn kèm với mèm mén (nấu từ bột ngô) là hợp nhất”, anh Giàng Mí Cho cho biết.


Ở khu phục vụ ăn uống của người Nùng (Lục Ngạn, Bắc Giang). Chị Lý Thị Oi (54 tuổi) luôn chân, luôn tay đãi gạo, đồ xôi 3 màu. Màu đỏ làm từ lá cẩm, màu vàng từ nghệ và màu tím đen từ cây sau. Theo chị, làm xôi 3 màu rất mất thời gian vì phải vào rừng lấy lá rồi giã, ngâm, nấu rất lâu. Chính vì vậy món ăn này chỉ dùng vào ngày tết Thanh Minh.


Cùng với món xôi 3 màu, người Nùng ở Lục Ngạn còn mang đến ngày hội mô hình nấu rượu gạo cũng nổi tiếng không kém ở quê mình.


Bên cạnh những ngành nghề thủ công, những món ăn đặc sắc, phiên chợ vùng cao còn mang đượm màu sắc sinh hoạt văn hóa độc đáo của các dân tộc. Trong khi những người phụ nữ bán hàng thì người đàn ông say sưa bên men rượu, hơi thuốc.


“Tôi tò mò nên đã đến tham quan khu chợ này. Đập vào mắt tôi là sừng sững văn hóa của các dân tộc trong cả nước. Không ngờ tôi vừa có thể tham quan, giao lưu, học hỏi lại có thể mua sắm được những sản vật đặc trưng của đồng bào dân tộc ngay trong lòng Hà Nội”, anh Phạm Văn Tuấn (Hà Nội) chia sẻ.

Xem bài viết đầy đủ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét