Được tạo bởi Blogger.

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012


Copenhagen - có nghĩa là "Cảng của các nhà buôn" - thủ đô của Vương quốc Đan Mạch, thành lập năm 1167. Thành phố nằm trọn trên 2 đảo Amager, đảo Slotsholmen và một phần phía đông đảo Zealand, nối liền với nhau bằng nhiều cây cầu và đường hầm xuyên qua biển. Trước đó, Copenhagen chỉ là một làng nhỏ của ngư dân. Tuy nhiên, nhiều dấu tích khảo cổ lại khẳng định từ thời Viking (thế kỷ VIII - XI) làng quê này đã hiện hữu. Thành phố phát triển mạnh từ thế kỷ XVIII với nhiều công trình được xây dựng như Quảng trường Kongens Nytorv, Quảng trường Tòa Đô chính Radhuspladsen, nhà thờ Đức Bà, tu viện dòng Fanxico, nhà thờ thánh Phê rô, nhà thờ thánh Nicolai... Dù trải qua nhiều đại nạn như trận dịch hạch năm 1711 (làm chết 1/3 dân số thành phố), trận hỏa hoạn năm 1728 (thiêu hủy 1/4 thành phố), trận hỏa hoạn năm 1795 hay trận dịch tả năm 1853, Copenhagen vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Thành phố không có nhà chọc trời và rất thân thiện với môi trường.


 Nếu nước Mỹ có tượng Nữ thần Tự do, Hà Lan có cối xay gió, Pháp có tháp Eiffel... thì Đan Mạch có Nàng Tiên Cá - the Little Mermaid, tuyệt phẩm điêu khắc về người cá Havfruen. So với tầm vóc và bề thế, Nàng Tiên Cá chỉ nhỉnh hơn Manneken Pis - chú bé đứng tè ở Brussels, Bỉ một chút. Nàng cao 1,25 m, nặng 175 kg, xõa tóc ngồi đợi chờ trên tảng đá, nhìn xa xăm xuống vịnh Oresund. Bức tượng gắn liền với truyện cổ của văn hào Christian Andersen (1805 - 1875). Nàng Tiên Cá được Carl Jacobsen, con trai nhà sáng lập hãng bia Carlsberg đặt làm năm 1909, sau khi ông xem vở ba lê cổ tích cùng tên. Tượng làm bằng đồng, hoàn thành ngày 23/8/1913 bởi nhà điêu khắc Edward Eriksen (1876 - 1954), lấy hình mẫu từ chính vợ mình là Eline Eriksen.


Bãi xe đạp ở trung tâm thành phố


Cách đây mấy năm, lần đầu đến Hà Lan, tôi đã choáng vì Amsterdam có nhiều xe đạp. Khi đến Đan Mạch thì phát hoảng vì xe đạp tràn ngập. Có thể khẳng định Copenhagen mới là thủ phủ của ngựa sắt đạp. Người dân Đan Mạch tự hào khi nói về văn hóa xe đạp. Người người đi xe đạp, từ dân thường cho tới quan chức, kể cả các bộ trưởng và hoàng gia. Nhà nào cũng có năm ba chiếc xe đạp. Chị Signe Josson, phụ trách báo chí Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết: "Hầu hết viên chức thủ đô đều đi làm bằng xe đạp. Quan chức cao cấp đạp xe tới sở là chuyện thường". Mọi người đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe, để tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Chính quyền không ngồi trong xế hộp hô hào mà trực tiếp làm gương cho thiên hạ. Năm 2011, nhờ đi xe đạp, thủ đô Nàng Tiên Cá đã cắt giảm được khoảng 60.000 tấn khí thải CO2. Hệ thống đường xe đạp ngày mỗi phát triển. Các dịch vụ cho mượn xe miễn phí có mặt khắp nơi.Tôi đã bỏ ra 20 krone (khoảng 80.000 đồng) tiền cọc (khi trả xe sẽ được hoàn lại) để lấy chiếc xe đạp, hòa vào dòng người thong dong khắp phố cổ và những con đường rợp bóng cây. Cảm giác sảng khoái, thanh bình, thân thiện và thật dễ chịu. Chợt mơ về Sài Gòn và Hà Nội xa xưa, nhộn nhịp ngựa sắt. Bây giờ thì xô bồ gắn máy, mịt mờ khói bụi. Ai cũng hoài niệm tiếc nuối "Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu!". Lại nhớ cuối tháng 11/2011, thái tử Frederik, người sẽ kế vị ngai vàng của nữ hoàng Margethe đệ nhị đã đạp xe quanh hồ Hoàn Kiếm với các bạn trẻ Việt Nam, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.


Nhiều người Việt qua Đan Mạch thường thắc mắc: "Xứ giàu gì mà dân toàn đi xe đạp. Ở Việt Nam bây giờ nghèo cũng có xe gắn máy, thậm chí mỗi nhà mấy chiếc". Ước mơ của nhiều người Việt Nam là từ xe đạp nâng cấp lên xe gắn máy rồi chuyển lên xe hơi, còn ở Đan Mạch thì khác. Họ cần cuộc sống cân bằng, chất lượng với môi trường trong sạch và bền vững. Bà Connie Hedegaard - Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, đồng thời là Cao ủy Liên minh châu Âu về khí hậu, vẫn thường đi xe đạp đến công sở. Bà từng được tạp chí Times bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009 vì những hoạt động hiệu quả, liên tục, không mệt mỏi của bà cho môi trường sống nhân loại.Copenhagen còn có rất nhiều điểm kỳ thú. Ở lại vài ba ngày cũng chỉ mới "cưỡi ngựa xem hoa". Stroget là con đường cổ nhất thủ đô, phố đi bộ dài hơn 2 km, với rất nhiều quán ăn từ khắp nơi trên thế giới, từ Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil đến Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam... Mỗi cửa hiệu, mỗi nhà hàng là một bộ sưu tập mini về trang trí và vật dụng. Dạo chơi trên kênh đào Nytory bằng thuyền rất thú vị. Thuyền trôi nhẹ giữa hai bờ của những ngôi nhà truyền thống cổ xưa, sặc sỡ sắc màu và những quảng trường cổ kính, rộng lớn. Amelienborg, được xem là một trong những cung điện đẹp nhất châu Âu, xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Tivoli, rộng hơn 80.000m2 là khu giải trí 5 sao hoành tráng với đủ loại hình và dịch vụ hấp dẫn. Buổi tối Tivoli đãi khách bằng dạ hội ánh sáng của trên 100.000 bóng đèn màu rực rỡ.

Xem bài viết đầy đủ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét